13 cách chữa ốm nghén khi mang thai hiệu quả cho bà bầu - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

13 cách chữa ốm nghén khi mang thai hiệu quả cho bà bầu

tiptopkid

tiptopkid

Tai nghe thai nhi số 1 Việt Nam
Ốm nghén là hiện tượng khá phổ biến và rất bình thường ở phụ nữ mang thai, tình trạng này có thể xuất hiện trong những tháng đầu hoặc giữa thai kì, khiến không ít các thai phụ cảm thấy mệt mỏi và uể oải, thậm chí có người rơi vào trạng thái trầm cảm, stress nặng vì phải đối diện với những biến đổi thất thường và đột ngột của cơ thể. Vậy đâu là cách giúp các mẹ sớm thoát ra khỏi triệu chứng này một cách hiệu quả nhất để có một thai kì thật sự khỏe mạnh và ý nghĩa.

Đọc thêm: Ốm nghén nhiều sinh con thông minh có đúng không?


1. Vitamin B6


Để đảm bảo thai nhi đủ chất, có thể suốt thai kỳ bạn sẽ được bác sĩ chỉ định cho dùng thêm các loại vitamin dạng nước hay dạng viên như axit folic, sắt v.v… Các chất dinh dưỡng bổ sung này có thể áp đảo hệ thống tiêu hóa và làm bạn buồn nôn. Do đó, hãy uống thật nhiều nước và ăn nhẹ một món ngon mà bạn thích sau khi uống thuốc để tránh khó chịu, nôn ói.

Nếu các loại vitamin vẫn gây khó chịu cho bạn mỗi lần dùng, nên trao đổi với bác sĩ để được cung cấp những loại vitamin khác ít hiệu lực hơn cho đến khi chứng buồn nôn giảm dần. Một số mẹ bầu thấy chứng buồn nôn sẽ giảm nhiều khi dùng vitamin trước khi ngủ hoặc mới thức dậy vào buổi sáng, vì vậy bạn cũng có thể áp dụng cách này nếu thấy phù hợp

Sử dụng 25mg vitamin B6 3 lần một ngày (tổng cộng là 75g/ngày) có công dụng làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn ói hiệu quả. Theo các chuyên gia, mẹ bầu chỉ cần uống trong khoảng 3 ngày là đủ.

2. Chữa ốm nghén khi mang thai với gừng

Bà bầu hãy làm bạn với tất cả các sản phẩm từ gừng như kẹo gừng, trà gừng, thậm chí là gừng tươi đun sôi trong nước pha với chút mật ong sẽ có công dụng trị cơn buồn nôn hiệu quả. Chị em bầu bị ốm nghén nên nhâm nhi kẹo gừng hàng ngày.


3. Chanh tươi

Nhấm nháp một cốc nước lọc trong đó có vài lát chanh tươi cũng là một cách chống buồn nôn hiệu quả. Thậm chí, khi bạn buồn nôn, hãy ngửi chanh tươi. Các lát chanh tươi cũng sẽ làm bạn dễ chịu trong giai đoạn nghén ngẩm.

4. Đừng để bụng đói


Các mẹ bầu thường có tâm lý bị nôn ói nhiều nên sẽ để bụng đói, tuy nhiên đây là ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Chị em có biết càng đói thì các mẹ càng bị nghén nặng hơn đấy. Để giảm nôn ói, mẹ bầu nên ăn thành nhiều bữa trong ngày thay vì 3 bữa chính như bình thường.

5. Ăn trước khi đi ngủ

Các chuyên gia khuyên chị em nên ăn một bữa nhẹ với thực phẩm nhiều protein trước khi đi ngủ. Bữa ăn này sẽ giúp giữ lượng đường trong máu của bạn vào ban đêm và có thể ngăn ngừa cảm giác buồn nôn vào buổi sáng hôm sau.

6. Ăn thực phẩm giàu chất sắt

Tăng cường thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày cũng giúp giảm triệu chứng buồn nôn, nôn ói. Những thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt bò, cá mòi, trứng, trái cây khô và các loại rau lá xanh. Mẹ bầu cũng nên bổ cung thêm các thực phẩm có công dụng giảm ốm nghén như chuối, táo và bánh mì nướng.

7. Uống đủ nước mỗi ngày

Nước giúp cơ thể luôn tràn đầy sức sống và uống đủ nước sẽ ngăn ngừa tình trạng khử nước. Tình trạng khử nước khi mang thai có thể dẫn tới những hậu quả như đau đầu, khả năng giữ nước, buồn nôn, chuột rút, phù nề và chóng mặt. Nước cũng quan trọng đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ khi tình trạng khử nước có thể kích thích dạ con co bóp, dẫn tới sẩy thai. Theo lời khuyên của các chuyên gia khoa sản, bà bầu nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

8. Nghỉ ngơi, ngủ bất cứ lúc nào

Cơ thể bị suy yếu do kiệt sức sẽ làm giảm khả năng chống chọi buồn nôn, vì vậy mẹ bầu nên cố gắng ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm và nghỉ ngơi bất cứ khi nào cảm thấy mệt. Hạn chế căng thẳng vì ốm nghén có xu hướng nghiêm trọng hơn khi bạn mệt hay quá lo lắng, stress. Bên cạnh đó, để tránh chóng mặt, cố gắng từ từ rời khỏi giường vào mỗi sáng.

9. Món ăn có tác dụng chữa ốm nghén khi mang thai

Một số thực phẩm có thể cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết để duy trì thai kỳ mà lại có tác dụng làm dịu tình hình ốm nghén. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu nhiều tinh bột làm giảm axit trong đường tiêu hóa, từ đó làm dịu chứng buồn nôn. Các loại bánh tây nhạt, không hoặc ít đường sẽ giúp mẹ bầu đỡ đói khi không thể ăn các món ăn khác. Ngoài ra, việc kết hợp các món ăn chứa carbonhydrate phức tạp với protein trong thịt nạc, cá vừa giúp cung cấp calo cho mẹ bầu, vừa cải thiệt bớt tình trạng nghén thai kỳ. Ví dụ, mẹ bầu có thể ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì, ngô, các loại đậu và đậu Hà Lan với thịt nạc nhiều đạm như thịt heo, bò, thịt gia cầm bỏ da, hoặc đậu phụ.

Có một số loại trái cây, thức uống và hoa quả cũng giúp cho mẹ bầu nhấm nháp hàng ngày để đỡ lạt miệng, bớt cảm giác buồn nôn như chuối (chứa nhiều kali, 1 vi chất được xem là có khả năng “đè bẹp” buồn nôn), bơ (dồi dào vitamin B6 giúp hạn chế nghén), củ đậu, me, bưởi, khoai lang, bí đao, hay uống nước ấm hòa vài lát chanh tươi, trà pha vài lát gừng với mật ong, sinh tố bơ v.v… Chất sắt cũng góp phần hiệu quả giúp giảm bớt triệu chứng buồn nôn, nôn ói, vì vậy mẹ bầu nên chọn các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, cá mòi, trứng, trái cây khô và các loại rau lá xanh.

Đưa gừng vào danh sách ăn uống hàng ngày cũng là 1 lựa chọn khôn ngoan của mẹ bầu, vì gừng được cho là “kẻ thù” của buồn nôn, nghén ói, từ gừng tươi cho đến các loại thực phẩm có chứa gừng như bánh quy gừng, kẹo gừng, trà gừng v.v… Tuy nhiên mẹ bầu cần lưu ý với các món được chế biến công nghiệp như kẹo gừng, bánh gừng, trà gừng túi lọc …, phải đọc kỹ nhãn mác để đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc từ gừng tinh khiết thay vì hương liệu nhân tạo.

10. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày

Cảm giác đói có thể làm cho bạn thấy buồn nôn hơn, vì vậy hãy thử bắt đầu ăn trước khi mẹ bầu cảm thấy đói, hay ngay khi thèm 1 món ăn nào đó. Ngoài ra, mẹ bầu cũng chỉ nên ăn vừa đủ, không để quá no hay ăn quá nhiều để giữ cho dạ dày không quá đầy. Uống 1 ly sữa nóng trước khi ngủ giúp trung hòa axit trong dạ dày cũng làm cho mẹ bầu ngủ ngon, không bị cảm giác buồn nôn “quấy rầy” suốt cả đêm.

11. Tránh xa các món dễ gây buồn nôn

Bà bầu không nên ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo, cay, có mùi mạnh và có màu sắc không hấp dẫn. Thậm chí các loại thực phẩm trước đây bạn yêu thích có thể sẽ trông có vẻ không ngon miệng và làm bạn buồn nôn khi nghĩ hoặc ngửi thấy chúng. Mẹ bầu cũng nên tránh xa rượu, vì không chỉ có nguy cơ mang lại dị tật cho thai nhi, loại thức uống này còn làm cho tình trạng buồn nôn thêm trầm trọng.

12. Tránh xa môi trường nhiều mùi

Một không gian thoáng đãng, không có quá nhiều mùi vị hỗn tạp rất tốt cho bà bầu tránh khỏi ốm nghén, buồn nôn. Do đó, mẹ bầu nên cố gắng tránh xa những nơi có mùi khó chịu làm bạn muốn nôn ói. Cũng cần nhớ rằng, 1 loại nước hoa quá nồng hay các chất tẩy rửa gia dụng cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng nghén ngẩm của bạn. Các yếu tố môi trường khác tác động tới chứng nghén mà bạn có thể điều chỉnh gồm nhiệt độ, ánh sáng và chất lượng không khí.

13. Chữa ốm nghén bằng các liệu pháp châm cứu

Một số nghiên cứu gần đây cho rằng châm cứu, tập Yoga hay thậm chí thôi miên có thể sẽ là liệu pháp thay thế hiệu quả giúp giảm bớt buồn nôn và rất an toàn cho phụ nữ mang thai mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất cứ liệu pháp nào, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và những liệu pháp điều trị này phải được thực hiện bởi các chuyên gia y tế có uy tín, tay nghề cao.

(Theo Hoàng Dương ( Theo BB) (Sức khỏe) http://vietbao.vn/Suc-khoe/13-cach-giam-nghen-khi-mang-thai/2131426226/249/

Với 13 mẹo nhỏ chữa ốm nghén cho bà bầu hiệu quả nhất được giới thiệu trên đây, mong rằng sẽ giúp các chị em sớm thoát ra khỏi tình trạng này để sớm cân bằng lại sức khỏe mà ổn định tinh thần giúp có một thai kỳ thật khỏe mạnh như mong đợi. Nên nhớ rằng, mang thai là khoảng thời gian rất khó khăn nên tuyệt đối, các thai phụ cần thiết phải quan tâm nhiều hơn tới chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện và nghỉ ngơi của mình để tránh rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng dễ dẫn tới chứng ốm nghén ngày càng nặng hơn.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên