Ám ảnh văng vẳng bên tai người đàn ông đi đón những thai nhi bị bỏ rơi: Bố ơi đi đi! - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Ám ảnh văng vẳng bên tai người đàn ông đi đón những thai nhi bị bỏ rơi: Bố ơi đi đi!

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Thành viên chính thức
Mỗi lần anh đi trên đường đón thai nhi bị phá bỏ, hai tai anh cứ nóng bừng bừng lên và như có tiếng nói bên tai: “Bố ơi đi đi”.

Tiếng gọi “Bố ơi đi đi” văng vẳng bên tai


Trong một lần đi thiện nguyện tặng quà cho các bé bị ung thư tại bệnh viện K3 Tân Triều, có người bạn đã rủ anh T.Q.Cường* cùng lên nghĩa trang Đồi Cốc tắm rửa cho thai nhi. Sau lời đề nghị đó, anh Cường có chuyến đi tắm cho thai nhi đầu tiên trên nghĩa trang.

Trong chuyến đi đầu tiên ấy, nước mắt anh đã rơi vì thương cảm. Từ đó, anh Cường quyết gắn bó với công việc không ai trả lương và phải đi đêm về hôm này. Cái duyên, cái nghiệp đến, nhiều người biết đến anh, gọi anh đến nhận các thai nhi bị bố mẹ phá bỏ.

Đêm mùa đông gió mùa về, khi mọi người đã ngủ say thì trên nghĩa trang Đồi Cốc vẫn có một nhóm người cùng nhau ngồi cặm cụi tắm cho thai nhi. Bên trên, lá dừa đập vào mái tôn xoẹt xoẹt, tiếng chó sủa, mèo gào thảm thiết cũng không khiến họ phân tâm.

Chia sẻ với PV Em đẹp, anh Cường khẳng định anh là người sống thiên về cái tâm nhưng không mê tín. Tuy nhiên, có những chuyện kỳ lạ xảy ra trên hành trình đi tìm, đón thai nhi bị mẹ phá bỏ mà bản thân anh cũng không sao lý giải nổi.


Anh Cường đang tắm rửa cho thai nhi trước khi chôn cất. Ảnh: NVCC

Anh luôn có cảm giác được các bé soi đường chỉ lối, chở che anh thoát chết trong gang tấc, dù có lần bị xe container đâm ngang xe.

Mỗi lần anh đi trên đường đón thai nhi, hai tai anh cứ nóng bừng bừng lên và như có tiếng nói bên tai: “Bố ơi đi đi”.


Có lần, một người trong nhóm không sao tắm cho thai nhi được. Khi anh Cường nhẹ nhàng đến bên bé và nói: “Con ơi, con đã mất rồi, hôm nay bác tắm cho con” thì động tay đến đâu, người bé mềm ra đến đó...

“Thực sự khi làm công việc này, tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì tôi cũng có hai con nhỏ, đi đêm về hôm, không được ngủ cùng các con.

Về phải tắm rửa, xông hơ rất nhiều rồi mới bế con nhỏ. Nhưng cứ có người động viên cố gắng lên, các con đang chờ, anh lại cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để lên đường. Chỉ mong những ông bố bà mẹ, người có quyền quyết định tính mạng của thai nhi hãy tỉnh ngộ, đừng phá bỏ mà cho con cơ hội được lớn lên làm người”, anh Cường chia sẻ.

Linh cảm báo trước có sinh linh bị mẹ ruồng bỏ

Hơn mười năm làm công việc chăm sóc phần mộ của hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc, bà Nguyễn Thị Nhiệm, ngụ tại thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội khẳng định, nỗi vất vả cực nhọc không thấm tháp vào đâu so với những câu chuyện đằng sau bia mộ của hàng vạn hài nhi mà bà hàng ngày chứng kiến.

Cách đây hơn mười năm, năm 2006, khi lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một cặp vợ chồng kiên quyết xin bác sĩ phá thai 6 tháng, bà Nhiệm ám ảnh vô cùng hình ảnh chiếc thai cố gắng cựa quậy, hớp lấy chút không khí cuối cùng rồi từ giã cõi đời.

Lúc đó, bà cũng đang nuôi con nhỏ. Với bản năng của một người mẹ, bà đã đánh liều xin bác sĩ cho bà được mang đứa bé kia ra nghĩa trang gần nhà chôn cất. Kể từ giây phút tự tay chôn cất đứa trẻ bị ép chết, bà đã xin một phần nghĩa trang Đồi Cốc gần nhà làm nơi thu nhận thai nhi, khâm liệm và để các con có chốn an nghỉ như người bình thường.


Vất vả khi làm công việc chôn cất thai nhi không thấm vào đâu so với nỗi ám ảnh, nỗi đau phải đối diện với những sinh linh bị phá bỏ, đặc biệt là những thai nhi đã lớn tuổi. Ảnh: Thu Hà

Có một sự việc kỳ lạ khiến bà nhớ mãi. Hôm ấy, 1 giờ trưa, trời nắng chang chang. Khi bà đang lim dim chợp mắt sau một buổi sáng rát mặt trên ruộng thì bỗng dưng bên tai có tiếng trẻ con lảnh lót: “Cháu vừa bị đuổi bác ạ!”. “Ai đuổi?”,bà hỏi lại trong cơn nửa mê nửa tỉnh. Đứa trẻ liền đáp: “Bố mẹ cháu đuổi cháu”.

Chỉ vừa nghe đến đó, bà Nhiệm giật mình choàng tỉnh. Linh tính mách bảo có chuyện gì đó vừa xảy ra, bà hướng mắt nhìn ra nghĩa trang hài nhi cách nhà không xa.

Nghĩa trang ban trưa vắng lặng như tờ nổi lên bóng dáng hai con người nhỏ bé. Họ đến, bỏ lại bọc gì đó rồi vội vàng bỏ đi. Linh tính mách bảo có chuyện xảy ra, bà vội vàng gói chai rượu, một ít vải xô vào túi và lên nghĩa trang.

Quả như dự đoán, trước cổng nghĩa trang là một cái túi màu đen được bọc khá kỹ. Lần giở túi, kéo mấy tấm vải mỏng ra, trước mắt bà, một bé gái đã thành hình, khoảng 5 tháng tuổi, dây rốn vẫn còn. Mảnh giấy nhỏ để lại với những nét chữ run run: “Mong bác chôn cất cho đứa con tội nghiệp của cháu. Cháu xin tạ ơn!”.

Bà Nhiệm bèn lấy chai rượu chuẩn bị sẵn, rửa ráy cẩn thận hài nhi, khâm liệm rồi đưa vào một tiểu sành, đào đất làm thêm ngôi mộ nhỏ vô danh rồi đốt lên mấy nén nhang.

Ở nghĩa trang hài nhi này, có thai bị bỏ lại là dị tật nhưng rất nhiều người mẹ trong số đó bỏ con là do bạn trai ruồng bỏ. Đứa con chỉ là “sản phẩm” không mong muốn trong cuộc tình nông nổi mà thôi.


Mong rằng những hình ảnh thai nhi bị phá bỏ là lời thức tỉnh mạnh mẽ tới các bà mẹ, hãy cho con được sống, dù có biến cố gì xảy ra đi chăng nữa. Ảnh: NVCC
Không ít người mẹ sau khi đưa con về đây chôn cất, cứ đến ngày mất của con là lên thắp hương, ngồi khóc sám hối. Có cô gái còn rất trẻ vào đây khóc cả tháng trước khi quyết định phá bỏ sinh linh. Bà tới trò chuyện thì cô ấy nức nở kể rằng, thai được 5 tháng mà nhà chồng cô bắt phải phá. Hiếm hoi trong số đó có người quyết định giữ lại con.

“Các con không có quyền tự vệ, được sống hay không đều phụ thuộc vào quyết định của bố mẹ, trong đó quyết định của người mẹ là quan trọng nhất. Tôi không mong gì hơn các con được sinh ra, được làm người, để không phải chết trước ngày sinh như thế này”, bà Nhiệm bộc bạch.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Em đẹp
 
Bên trên