Bầu bí có được nhuộm tóc, uốn xoăn: Câu hỏi khiến nhiều bà bầu băn khoăn! - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com
Ngọc Anh

Ngọc Anh

Thành viên chính thức
Nội tiết tố thay đổi khiến mái tóc của bạn cũng thay đổi trong 9 tháng mang bầu.


Thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà còn tác động đến cơ thể của mẹ, một trong những dấu hiệu phổ biến, dễ thấy nhất là sự thay đổi của mái tóc.

Mặc dù những thay đổi này chỉ là tạm thời và thường giảm dần sau khi sinh, tuy nhiên thật không tốt khi chúng tới vào thời điểm mang thai - thời điểm tương đối nhạy cảm khi mẹ hay suy nghĩ và luôn sợ mình xấu. Nếu mẹ đang tự hỏi mái tóc như thế nào là bình thường, thế nào là hư tổn trong thai kỳ, bài viết dưới đây sẽ giúp chị em có thêm thông tin để chăm sóc mái tóc luôn khỏe đẹp trong thời kỳ "đeo bao lô ngược nhé".

Mái tóc mẹ bầu thay đổi là do đâu?

Lượng cân bằng của hoocmon estrogen bị phá vỡ do uống thuốc tránh thai, cai sữa, sẩy thai, phá thai…đều có thể ảnh hưởng đến mái tóc. Theo các chuyên gia chăm sóc tóc, trong thời gian mẹ không mang thai, sợi tóc sẽ phát triển theo một chu kỳ chung: mỗi tháng trong vòng từ 2 đến 6 năm (nếu như tóc không bị rụng), tóc có thể dài ra khoảng 1,5 cm và sẽ không dài ra thêm trong khoảng 2, 3 tháng tiếp theo. Sau đó, tóc mới sẽ mọc ra thay thế cho tóc rụng khi mẹ chải tóc hay gội đầu.


Thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng đến mái tóc. (ảnh minh họa)
Những thay đổi về tóc khi mang thai

Tóc dày hơn

Nhiều người tin rằng trong thời gian mang thai, lượng estrogen cao sẽ kéo dài giai đoạn tăng trưởng của tóc và làm chậm lại giai đoạn rụng tóc. Điều này giải thích vì sao một số mẹ bầu có mái tóc dày, bồng bềnh hơn trong khi một số khác nhận thấy tóc mình mỏng đi đáng kể khi có thai.

Tóc dầu hoặc xoăn

Tình trạng này phụ thuộc vào gen di truyền của mẹ. Trong thời gian mang thai, tuyến dầu của mẹ có thể tiết ra lượng dầu nhiều hơn hay ít đi để phù hợp với sự thay đổi nội tiết tố. Vì thế, tóc mẹ đang thẳng có thể đột ngột trở nên xoăn, hay tóc khô lại biến thành tóc dầu.

Để khắc phục tình trạng này, hãy nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia chăm sóc tóc tư vấn loại dầu gội, dưỡng tóc nào phù hợp cho tóc mẹ trong giai đoạn mang bầu, “tác dụng phụ” khi mang thai này sẽ không khiến mẹ phiền lòng nữa.

Có thể làm đẹp tóc khi mang thai?

Nhuộm tóc

Có nhiều tranh cãi về việc nên hay không nên nhuộm tóc và uốn tóc trong khi mang thai. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều khuyên mẹ không nên sử dụng bất cứ phương pháp làm đẹp nào có dùng hóa chất bởi chúng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ. Do đó, các nhà tạo mẫu tóc khuyên mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ sản, phụ khoa khi muốn “khoác áo mới” cho mái tóc của mình.

Hiện nay có các loại thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thực vật được dùng thay thế cho các sản phẩm nhuộm tóc chứa hóa chất, ví dụ như thuốc nhuộm có nguồn gốc từ cây lá móng với nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên mẹ vẫn nên kiểm tra kỹ thành phần thuốc nhuộm trước khi sử dụng bởi có những sản phẩm quảng cáo hoàn toàn tự nhiên nhưng vẫn có thể tìm thấy một số chất hóa học trong đó.


Các chuyên gia khuyên mẹ bầu không nên sử dụng bất cứ phương pháp làm đẹp nào có dùng hóa chất. (ảnh minh họa)

Uốn xoăn

Dạo qua một số diễn đàn dành cho bà bầu, mẹ có thể dễ dàng nhận ra có rất nhiều mẹ bầu quan tâm đến việc có nên uốn xoăn tóc hay không? Như thắc mắc của chị Linh (29 tuổi, Ba Đình, HN) chẳng hạn: “Các mẹ khuyên em có nên uốn xoăn không? Em nghe nói do ảnh hưởng của việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai nên tóc thay đổi hẳn, bình thường uốn xoăn nhìn lọn tóc bồng bềnh sướng cả mắt nhưng giờ làm xoăn có khi không ăn thuốc hoặc nhìn cứng ngắc ý”. Ngoài mối quan tâm này của mẹ Linh, các mẹ cũng băn khoăn không biết các hóa chất được sử dụng khi uốn xoăn có hấp thụ qua da hay không, liệu có an toàn không?

Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi uốn tóc trong thời gian mang bầu có hay không gây hại cho thai nhi? Tuy nhiên, có một điều bác sĩ luôn khuyên mẹ đó là đừng sử dụng các biện pháp có chứa hóa chất cho tóc của mẹ trong thời gian ba tháng đầu của thai kỳ.

Sau ba tháng, nếu mẹ vẫn muốn uốn xoăn, hãy yêu cầu thợ làm tóc làm thử trên một lọn tóc nếu có thể để xem tóc mẹ có còn “ăn” thuốc hay không trước khi uốn toàn bộ mái tóc.

Thay đổi dầu gội đầu hay dầu dưỡng tóc có thể là “chìa khóa” giúp mẹ lấy lại vẻ đẹp cho mái tóc. Hiện nay để phục vụ đối tượng là mẹ bầu, nhiều công ty mỹ phẩm có sản xuất những sản phẩm chăm sóc tóc dành riêng cho các mẹ được điều chỉnh từ các dòng sản phẩm quen thuộc.

Đối phó với rụng tóc sau sinh

Sau khi sinh, nhiều mẹ có thể thấy hoảng mỗi lần gội đầu vì phải “tạm biệt” một nắm tóc, lo lắng: “cứ thế này chẳng mấy mà hói ?!”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bình thường và tương đối phổ biến.

Sau khi sinh, lượng estrogen tăng cao của mẹ đang dần trở lại bình thường, đồng nghĩa với việc tóc sẽ ngừng dài ra và rụng đi. Hiện tượng này chỉ là tạm thời và thường diễn ra khoảng 4 tháng sau sinh. Các bác sĩ cho biết tóc rụng sẽ được thay thế trong vòng 6 đến 12 tháng nên mẹ đừng quá lo lắng.


Mẹ bầu không gội đầu hàng ngày khiến da đầu mất đi lượng dầu tự nhiên. (ảnh minh họa)

Một số gợi ý dưới đây có thể giúp mẹ ngăn chặn tình trạng tóc khô, dễ gãy rụng…

- Kiểm tra chế độ ăn uống và lượng hoocmon

Các bác sĩ cho biết tóc rụng tạm thời là do nội tiết tố thay đổi nhưng không có nghĩa là mẹ thiếu dinh dưỡng hoặc vitamin. Do đó, để cải thiện tình trạng này mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra và đảm bảo sự cân bằng của hoocmon và có một chế độ ăn lành mạnh, giàu trái cây, rau và khoáng chất. Một số loại rau và khoáng chất có chứa flavonoid – chất chống oxy hóa và thúc đẩy mọc tóc cũng như bảo vệ nang tóc. Thiếu sắt hay chế độ ăn không đủ lượng protein cũng là hai trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc.

Bác sĩ cũng giới thiệu cho mẹ một số chất dinh dưỡng mẹ nên bổ sung hoặc có thể phù hợp với chế độ ăn của mẹ theo từng thời kỳ như vitamin B tổng hợp, vitamin H, glucozo, vitamin C, vitamin P, coenzyme Q10, vitamin E…

- Không buộc các kiểu tóc như đuôi ngựa hay tết tóc quá chặt khiến chân tóc bị kéo căng.

- Không sấy tóc quá nóng hay sử dụng các dụng cụ tạo kiểu như máy uốn tóc, duỗi tóc. Nếu có thể, mẹ nên để tóc khô tự nhiên thay vì sấy tóc để tránh tóc hư tổn.


- Không gội đầu hàng ngày khiến da đầu mất đi lượng dầu tự nhiên và khiến tóc càng thêm khô. Các nhà tạo mẫu tóc cho biết gội đầu 2 hoặc 3 tuần là thích hợp, đủ để loại bỏ bụi bẩn trên tóc. Mẹ nên sử dụng loại dầu gội và dưỡng tóc có chứa biotin và silica có tác dụng giúp tóc chắc khỏe.

- Nhẹ nhàng với tóc ướt. Sau khi gội đầu, mẹ nên dùng khăn thấm khô nhẹ nhàng để tránh ma sát dễ làm tóc gãy rụng. Dùng lược răng thưa để gỡ tóc rối dễ dàng hơn.

Mẹ nhớ chú ý chăm sóc tóc đúng cách để mái tóc luôn khỏe đẹp, một kiểu tóc phù hợp sẽ giúp mẹ xinh đẹp, tự tin hơn để tận hưởng thời gian mang thai – một trong những giai đoạn kỳ diệu nhất trong cuộc đời của mẹ nhé.

Ngọc Anh (Theo Eva.vn)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên