Rạn da mông khi mang thai: mách mẹ các bí quyết khắc phục ngay - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Rạn da mông khi mang thai: mách mẹ các bí quyết khắc phục ngay

Đặng Bội Ngọc

Đặng Bội Ngọc

Thành viên chính thức
Bất kì mẹ bầu nào cũng có khả năng bị rạn da. Tuy nhiên, mẹ bầu da trắng có xu hướng bị rạn da mông khi mang thai nhiều hơn những mẹ bầu có làn da tối màu hơn.

Nguyên nhân gây rạn da mông khi mang thai


Mẹ bầu có sự tăng cân đột ngột khiến da mông bị giãn, gây nên rạn da

Phụ nữ mang thai có sự thay đổi đột ngột kích thước khi tăng cân nhanh khiến cho các mô đàn hồi kém, gây giãn da mông và đùi. Thông thường, các mẹ bầu bị rạn da mông vào tháng thứ 4 của thai kỳ nhưng cũng có người đến tháng 8 mới bắt đầu xuất hiện hiện tượng trên. Thậm chí có trường hợp các mẹ bầu trong suốt thai kỳ không hề bị rạn da mông nhưng sau sinh thì lại xuất hiện tình trạng này.


Rạn da khi mang thai có thể gặp nhiều hơn ở các mẹ bầu lớn tuổi, nhất là những mẹ sinh con sau 35 tuổi. Ngoài ra, với những thai phụ mang thai đôi thì khả năng bị rạn da cao hơn do bụng to hơn, da phải giãn nhiều hơn để có đủ chỗ cho các bé.

Vết rạn da trên mông ban đầu sẽ xuất hiện những vết lõm, ban đầu có màu hồng tím kéo dài khoảng 5 – 10 mm , sau đó màu sẽ nhạt dần và chuyển sang trắng xà cừ. Chúng cũng có thể xuất hiện dưới dạng những đường sọc song song hoặc hình răng cưa trải dài trên mông. Tuy các vết rạn không gây đau nhưng do da bị kéo căng nên có thể gây ngứa trong quá trình mang thai.

Cách khắc phục tình trạng rạn da mông khi mang thai

Rạn da mông khi mang thai không chỉ gây mất thẩm mỹ cho làn da mà còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ bầu. Tuy nhiên, các mẹ vẫn có thể hạn chế rạn da mông bằng các cách sau:

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống khi mang thai đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện vết rạn da ở mông. Để hạn chế và khắc phục vết rạn da, mẹ bầu nên ăn uống nhiều thực phẩm bổ dưỡng như: thực phẩm chứa nhiều kẽm, vitamin E, C, uống nhiều nước và giảm dần thói quen ăn vặt.

Dưỡng ẩm da

Các loại tinh dầu thảo dược có thể giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng rạn da, ví dụ như dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạnh nhân, dầu thầu dầu. Massage nhẹ vùng bụng, hông, đùi với các loại tinh dầu trên nhằm tạo sự đàn hồi cho da và hạn chế tình trạng rạn da mông khi mang thai.


Việc massage da mỗi ngày sẽ giúp hạn chế được việc rạn da

Xông hơi da mông

Xông hơi thường xuyên sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, loại bỏ những bụi bẩn, giúp da săn chắc và vết rạn da trên mông sẽ mờ hơn. Mỗi lần bà bầu nên xông khoảng 10 – 15 phút.

Dành thời gian nghỉ ngơi

Để tinh thần luôn thoải mái mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và cần chú ý:

  • Tránh phơi da dưới ánh nắng.
  • Tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội…
Một số phương pháp điều trị rạn da mông khi mang thai


Các biện pháp phẫu thuật phục hồi có thể loại bỏ được vết rạn da mông

Trong một số trường hợp các vết rạn da ở mông không thể phục hồi sau sinh, mẹ có thể nhờ đến biện pháp phẫu thuật để loại bỏ vết rạn da:
  • Điều trị bằng phương pháp laser: Laser có thể giúp làm mờ vết rạn da mông. Thông thường, một liệu trình laser thường kéo dài đến vài tuần.
  • Platelet Rich Plasma (huyết tương giàu tiểu cầu): Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có thể giúp tái tạo collagen, làm mờ các vết nứt do rạn da mông khi mang thai.
  • Microneedling (lăn kim): Phương pháp này cho phép dùng dụng cụ dạng lăn có nhiều mũi kim nhỏ tác động lên bề mặt của vùng da bị rạn. Khi bị tổn thương, da sẽ kích thích quá trình sản sinh collagen và elastin, tái tạo da theo hướng tốt hơn. Liệu trình lăn kim thường có hiệu quả sau 6 tháng.


  • Microdermabrasion (siêu mài mòn da): Đây là phương pháp tái tạo da mà không cần phẫu thuật. Phương pháp này sẽ tẩy tế bào chết trên da, đánh bong lớp da đã cũ, để lộ lớp da mới mịn màng và sáng hơn. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy khả năng tác động lên da của microdermabrasion tương đương như kem có chứa tretinoin.
Rạn da khi mang thai không hiếm gặp nhưng lại khiến cho nhiều mẹ bầu tự ti về ngoại hình. Thông thường vết rạn sẽ tự mờ dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có ý định dùng sản phẩm trị rạn da thì nên hỏi thăm ý kiến của chuyên gia và nên dùng sau khi đã sinh con xong.

Nguồn: conlatatca.vn/thai-nhi-20-tuan/xua-tan-tinh-trang-ran-da-mong-khi-mang-thai-voi-bi-kip-cuc-don-gian-77726.html
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên